Nguyên tắc sử dụng vắc-xin
Cần phải sử dụng đúng đường sử dụng, đúng vị trí, đủ liều, đúng liều. Các khuyến cáo về đường sử dụng, vị trí sử dụng và liều tiêm là dựa trên các bằng chứng khoa học từ các thử nghiệm lâm sàng, kinh nghiệm thực hành, và các cân nhắc về lý thuyết. Do đó không nên thay đổi các quy định đã được khuyến cáo về đường tiêm, thể tích mỗi liều tiêm, số liều tiêm và vị trí tiêm. Việc thay đổi này sẽ làm ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch dẫn đến khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi mắc bệnh thấp.
PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW kiểm tra tủ lạnh bảo quản vắc-xin trong TCMR tại kho vắc-xin khu vực Tây Nguyên.
Khoảng cách của các liều vắc-xin
Vắc-xin phải được tiêm theo đúng lịch, đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm để bảo đảm hiệu quả bảo vệ tối đa. Cố gắng bảo đảm khoảng cách giữa các mũi tiêm vắc-xin nếu có thể được. Khoảng cách giữa các mũi tiêm không được dưới khoảng cách quy định và không được sớm hơn thời điểm tiêm. Tuy nhiên việc khoảng cách các mũi tiêm lớn hơn theo quy định không làm giảm nồng độ kháng thể sau khi hoàn thành các mũi tiêm mặc dù hiệu lực bảo vệ có thể không đạt được cho đến khi đủ số liều theo quy định.
Nếu liều đầu tiên sớm hơn 5 ngày trước tuổi tiêm thì phải tiêm nhắc lại sau khi trẻ đạt tuổi tiêm theo quy định. Tiêm vắc-xin sống phải bảo đảm rằng khoảng cách tối thiểu là 28 ngày. Một số vắc-xin như vắc-xin bạch hầu, uốn ván có thể gây ra tỷ lệ phản ứng hệ thống tại chỗ nhiều hơn. Do đó cần phải tuân thủ lịch tiêm chủng để có thể làm giảm các tỷ lệ phản ứng mà không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch. Ngoại trừ vắc-xin thương hàn uống, thì bất kì sự gián đoạn lịch tiêm nào đều không đòi hỏi tiêm lại từ đầu hoặc bổ sung 1 liều tiêm khác.
Tiêm đồng thời các loại vắc-xin
Ngoại trừ một số trường hợp, tiêm đồng thời các vắc-xin sống và bất hoạt sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại vắc-xin riêng lẻ. Việc tiêm đồng thời tất cả các liều vắc-xin theo tuổi được khuyến cáo ở những trẻ không có chống chỉ định tại thời điểm tiêm. Vắc-xin MMR và thủy đậu có thể tiêm đồng thời. Vắc-xin cúm sống giảm độc lực không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch đối với vắc-xin thủy đậu và MMR.
Tiêm đồng thời vắc-xin phế cầu và vắc-xin cúm bất hoạt vẫn đạt được đáp ứng miễn dịch tốt mà không gây nên những phản ứng bất lợi, nghiêm trọng. Vắc-xin uốn ván, vắc-xin bạch hầu liều thấp, vắc-xin ho gà vô bào và cúm bất hoạt có thể được tiêm đồng thời. Vắc-xin viêm gan b được tiêm đồng thời với vắc-xin sốt vàng. Vắc-xin sởi và sốt vàng có thể tiêm đồng thời mà không có ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của các loại kháng nguyên. Tùy thuộc vào lịch tiêm chủng một đứa trẻ có thể được tiêm 9 loại vắc-xin khác nhau trong khoảng từ 2-15 tháng tuổi. Mặc dù không có giới hạn chính xác về số mũi tiêm, những liều tiêm ban đầu nên hạn chế không nên quá nhiều mũi tiêm trong một lần trẻ đến tiêm.
Không có bằng chứng về vắc-xin bất hoạt có thể ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của vắc-xin bất hoạt khác hoặc vắc-xin sống. Bất kì vắc-xin bất hoạt nào cũng có thể tiêm đồng thời hoặc bất kì lúc nào (trước hoặc sau) tiêm vắc-xin sống hoặc bất hoạt khác. Các vắc-xin sống có thể tiêm cùng lúc với nhau trong một lần đến tiêm, nếu không tiêm cùng lúc được thì phải tiêm cách nhau trên 4 tuần.
Vắc-xin kết hợp
Việc phối hợp nhiều vắc-xin có thể làm giảm số mũi tiêm và làm giảm những lo ngại liên quan đến nhiều mũi tiêm. Ích lợi của tiêm vắc-xin phối hợp bao gồm làm tăng tỷ lệ tiêm chủng, làm tăng tỷ lệ tiêm đúng thời gian ở những trẻ tiêm trễ, giảm chi phí về vận chuyển, bảo quản vắc-xin, giảm chi phí đi lại, tiêm chủng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa vắc-xin mới vào Chương trình Tiêm chủng.
Linh San
((Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở VN))